Giáo trình phần 4: Hệ thống nhiên liệu xe gắn máy - Kỹ thuật Xe Cộ
  1. »
  2. »
  3. »
  4. Giáo trình phần 4: Hệ thống nhiên liệu xe gắn máy

Giáo trình phần 4: Hệ thống nhiên liệu xe gắn máy

Bài viết liên quan



I.       Công dụng cấu tạo nguyên lý tổng quát :
         Hệ thống nhiên liệu có nhiệm vụ cung cấp cho động cơ một lượng hỗn hợp giữa xăng và gió có thành phần ổn định, phù hợp với chế độ làm việc của động cơ. Hỗn hợp này gọi là hoà khí nó được hút vào lòng xylanh, ép, đốt cháy giãn nở rồi sinh công.
         Hệ thống gồm có :
-      Bộ phận cung cấp xăng gồm thùng xăng, khoá xăng lọc xăng và chén lóng cặn, ống dẫn xăng.
-      Bộ phận lọc gió : Ong dẫn và lọc gió.
-      Bộ phận chế hoà khí ( còn gọi là bình xăng con ).
         Nguyên lý làm việc tổng quát của hệ thống sau :
         Khi động cơ làm việc xăng từ thùng chứa xuống khoá xăng qua chén lóng cặn rồi theo ống dẫn xuống bộ chế hoà khí. Xe 4 thì ở vào thì hút, xupáp hút mở, hút gió từ ngoài qua lọc gió ngang bộ chế hoà khí hút xăng từ bình giữ mực ( buồng phao ) qua zíchlơ chính ra phòng chế khí trộn với gió thành hoà khí theo ống hút vào lòng xylanh ép, đốt cháy, giãn nở rồi sinh công. Muốn động cơ chạy nhanh ta vặn tay ga quả ga mở lớn hoà khí hút vào nhiều, muốn chạy chậm trả tay ga tiết diện mở nhỏ xăng vào ít. Muốn dừng động cơ ta ngắt khoá công tắc máy. Ở xe 2 thì hoà khí được hút vào cạcte rồi mới nạp lên xylanh.
 * Bộ phận chế hoà khí :
  Chế hoà khí là tạo ra một hỗn hợp khắng khít giữa xăng và gió để hổn hợp cháy trọn vẹn trong lòng xylanh với khoảng thời gian 1/200 giây. Khí cụ để tạo ra hỗn hợp gọi là bộ chế hoà khí.
* Tỉ lệ của xăng và gió:
  Hỗn hợp giữa xăng và gió gọi là hoà khí, thực nghiệm cho thấy rằng muốn đốt cháy trọn vẹn 1 gam xăng trong 1 bình kín thì phải cần 15 gam gió. Tỉ lệ 1/15 gọi là tỉ lệ hoàn hảo. Nhưng thực tế và yêu cầu hoạt động của động cơ lúc nhanh, lúc chậm trong lúc giữa xăng và gió có tỉ trọng khác nhau rất xa. Nên thực tế tỉ lệ này thay đổi 1/8 đến 1/18.
   + Tỉ lệ 1/9 dùng để khởi động động cơ.
   + Tỉ lệ 1/11 - 1/12 cho lúc chạy cầm chừng.
   + Tỉ lệ 1/15 - 1/18 cho lúc hoạt động bình thường.
   + Tỉ lệ 1/12 - 1/13 cho lúc tốc độ lớn hay chở nặng.
II.               Bộ Chế Hoà Khí ( BCHK) Đơn Giản:
         Gồm có hai phần chính là bình giữ mực và phòng chế khí.
-      Bình giữ mực : Còn gọi là buồng phao dùng để giữ mực xăng luôn luôn ở mức cố định nhờ tác dụng của một phao nổi và cây chặn xăng ( pointu ) ở trong bình. Khi mực xăng trong bình giữ mực thấp hơn mức ổn định, phao hạ xuống cây chặn xăng ( kim phao) mở lỗ xăng cho xăng từ bình chứa vào bình giữ mực. Khi xăng vào phao nổi lên đến mức ấn định, cây chặn xăng đóng lỗ xăng không cho xăng vào bình giữ mực nữa. Xăng từ bình giữ mực được dẫn đến phòng chế khí nhờ một ống tia, ở đầu ống có lỗ để xăng vọt ra phòng chế khí khi vận chuyển.
-      Phòng chế khí : Tạo nên bởi một ống hình trụ, một đầu bắt vào lỗ hút, đầu kia nối với lọc gió. Bên trong ống hình trụ có lắp một ống khuyếch tán (thắt eo ), mục đích của ống này là làm tăng tốc độ gió ở chỗ nhỏ nhất để áp thấp càng lớn xăng dễ vọt ra tán nhuyễn và bốc hơi. Đường kính ngoài của ống khuyếch tán là đường kính trong của phòng chế khí và đó cũng là đặc tính của BCHK.
 Ở vùng nhỏ nhất của ống khuyếch tán có lắp một ống tia thông với mạch xăng ở bình giữ mực. Lượng xăng từ bình giữ mực ra ống khuyếch tán phải qua một lỗ giới hạn lưu lượng gọi là lỗ tia chính ( zichlơ) . Kích thước của lỗ tia có ghi trên lỗ tia và tính bằng phần trăm của ly. Ví dụ lỗ tia 76 có nghĩa là đường kính lỗ tia đo được 0,76 mm.
         Một cánh bướm ga ( hoặc bản ga, hoặc trụ ga ) được bắt phía dưới ống khuyếch tán gần mặt bắt vào lỗ hút ( hoặc ngay ống khuyếch tán nếu bản ga hay trụ ga ). Công dụng của cánh bướm ga là để tăng giảm tốc độ của động cơ bằng cách mở lớn nhỏ để hoà khí hút vào xylanh nhiều hay ít. Cánh bướm ga ( bản ga, trụ ga ) được liên hệ với tay ga.
Tóm lại một bộ chế hoà khí có hai đặc điểm quan trọng đó là :
 + Đường kính phòng chế khí ( tính bằng ly ).
 + Đường kính lỗ tia chính ( tính bằng phần trăm ly ).
 Các bộ chế hoà khí có thể thay đổi lẫn nhau với điều kiện đặc điểm tương đương nhau và gá lắp thích hợp.
 * Vận chuyển :
    Động cơ đang hoạt động lúc ở thì hút piston từ TĐT xuống TĐH, xupáp hút mở ( hoặc lỗ hút mở ). Piston hút không khí từ ngoài ngang qua lọc gió vào xylanh. Khi đi ngang qua eo họng khuyếch tán tốc độ gió tăng lên, áp suất giảm tạo ra áp thấp hút xăng từ bình giữ mực qua lỗ tia chính vọt ra ống khuyếch tán để đi vào lòng xylanh, khi di chuyển hơi xăng và gió trộn đều với nhau trở thành hoà khí. Tuỳ theo vị trí của bướm ga ( trụ ga hay bản ga ) mà hoà khí hút vào xylanh nhiều hay ít mà tốc độ động cơ nhanh hay chậm.
 Khi xăng vọt ra ống khuyếch tán, mực xăng trong bình giữ mực cạn dần, phao hạ xuống cây chặn xăng mở ra từ thùng chứa chảy xuống bình giữ mực, lúc mực xăng đến lúc ấn định phao nổi lên, cây chặn xăng đóng kín lỗ xăng vào, cứ như thế mà BCHK làm việc.
* Khuyết điểm của bộ chế hoà khí đơn giản:
  Bộ chế hoà khí đơn giản vừa trình bày ở trên phân lượng hoà khí biến đổi theo tốc độ động cơ. Lượng hoà khí hút vào tuỳ thuộc vào vị trí bướm ga. Nhưng xăng và gió có mật độ khác nhau phải tuân theo những định luật di chuyển khác nhau. Tỉ trọng của không khí hút vào xylanh nhiều hay ít tuỳ thuộc vào sức hút của động cơ mạnh hay yếu, trong lúc ấy tỉ trọng xăng vẫn không thay đổi. Cì thế BCHK đơn giản sẽ cho hoà khí dư xăng lúc máy chạy nhanh và lúc thiếu xăng lúc máy chạy chậm. Sự kiện này được giải thích như sau :
-      Khi động cơ chạy chậm sức hút của piston yếu, không khí nhẹ nên hút vào xylanh dễ dàng, xăng nặng hơn nên vọt ra một cách khó khăn làm cho hoà khí thiếu xăng. Trái lại khi động cơ chạy nhanh sức hút piston mạnh xăng vọt ra một cách dễ dàng và có trớn do đó hoà khí dư xăng. Ngoài ra ta còn thấy rằng thể tích không khí hút vào lúc lạnh nặng hơn lúc nóng trong lúc lượng xăng lọt ra lỗ tia không thay đổi. Như vậy có nghĩa là lúc trời lạnh có khuynh hướng thiếu xăng.
         Vì những lý do trên mà BCHK đơn giản không cung cấp một tỷ lệ hoà khí phù hợp với tốc độ động cơ và sự thay đổi nhiệt độ không khí nhất là trời lạnh.
 Hiện nay hầu hết các BCHK lắp trên ôtô, xe gắn máy đều cho một tỷ lệ hoà khí phù hợp với yêu cầu hoạt động của động cơ. Những BCHK ấy gọi là BCHK tự động.
III.           Bộ chế hoà khí tự động :
 Bộ chế hoà khí tự động đều xuất phát từ nguyên tắc BCHK đơn giản nhưng có trang bị bổ sung thêm một số mạch xăng để đáp ứng mọi yêu cầu hoạt động của động cơ từ lúc khởi động đến lúc tốc độ tối đa hay chở nặng, các mạch xăng này gồm:
1/ Mạch chính:
         Mạch này cung cấp xăng cho hầu hết mọi chế độ hoạt động của động cơ trừ tốc độ cầm chừng ( galăngty). Mạch này áp dụng các phương pháp sau:
a.     Điều khiển tiết diện miệng phun bằng kim ga:
-   Phía dưới trụ ga có gắn 1 kim ga hình côn, Đầu kim ga có 5 nấc để điều chỉnh vị trí cho phù hợp.
-   Trong quá trình làm việc, khi máy nổ ta để tốc độ trung bình, lúc này kim ga còn ở trong lỗ phun nên hạn chế bớt lượng xăng phun ra ở vòi phun. Khi xe chạy nhanh trụ ga được kéo mở lớn kim ga được kéo lên theo, lỗ phun được mở lớn để cung cấp lượng xăng thích hợp, nhờ vậy mà tiết diện lỗ phun được điều chỉnh phù hợp với tốc độ của động cơ.
b.     Điều chỉnh xăng bằng độ chân không ở ống tia chính:
-      Trên đường gió vào trước ống khuyếch tán người ta khoan một lỗ gió thông với ống tia chính. Trên ống tia chính có khoan nhiều lỗ nhỏ gọi là lỗ thông hơi xếp bậc, phía dưới ống tia chính là nơi ráp zichlơ chính, phía trên ráp với miệng phun.
-      Trong quá trình làm việc, khi máy chạy ở tốc độ trung bình, một phần gió qua ống khuyếch tán hút xăng từ bình giữ mực qua zichlơ chính ra lỗ phun. Cũng lúc này một phần gió sẽ chui vào lỗ thông với ống tia chính vào ống tia tạo thành bọt xăng làm phun có lẫn bọt gió, do đó hàm lượng xăng giảm. Khi tăng tốc độ, lưu lượng gió qua ống khuyếch tán lớn lên, xăng hút ra nhiều hơn nhưng đồng thời gió chui vào lỗ thông ống tia chính cũng nhiều cản bớt không cho xăng vọt ra quá nhiều làm hoà khí không dư xăng.
  Trên thực tế là mạch chính áp dụng cả hai phương pháp trên.
* Cấu tạo của trụ ga và kim ga:
Trụ ga thường làm bằng nhôm, là một khối hình trụ rỗng ruột được tiện rất tròn di chuyển khít khao trong xylanh ga. Một đầu trụ ga bịt kín và vạt xéo tương tự dạng ống khuyếch tán, một bên có rãnh dọc để định vị và di chuyển trên chốt gắn ở xylanh ga. Ngoài ra trụ ga còn dự trù chỗ để ốc chỏi trụ ga tì vào khi ta buông ga. Kim ga có hình trụ côn ráp xuyên qua trụ ga. Đuôi kim ga thường có 5 nấc để điều chỉnh kim ga cho phù hợp với vị trí trụ ga, đầu kim ga nằm lọt vào lỗ miệng phun. Kim ga được hiệu chỉnh bằng cách thay vị trí vòng chận với các nấc ở đuôi kim. Khi muốn thêm xăng ta dời phe gài xuống dưới, ngược lại muốn bớt xăng ta dời phe gài lên trên.
 Trụ ga được điều khiển bởi dây ga ráp với tay ga. Trụ ga luôn luôn đóng phòng chế khí lại nhờ lò xo xylanh ga.
2/ Mạch cầm chừng: ( Mạch không tải )
-   Tốc độ cầm chừng là tốc độ thấp nhất của động cơ. Ở tốc độ này người điều khiển trả hết tay ga hoặc buông ga. Trường hợp này sức hút piston yếu không đủ sức hút xăng ra khỏi lỗ phun ở mạch chính. Xăng được hút vào xylanh bởi mạch cầm chừng.
-   Mạch xăng cầm chừng lấy xăng từ bình giữ mực hút ngang qua zichlơ cầm chừng gắn chung với ống tia phun ra ở phía sau gần sát trụ ga. Một lỗ gió mạch cầm chừng thông với ống tia cầm chừng. Một vít gió hiệu chỉnh tiết diện lỗ gió để điều chỉnh tỉ lệ hoà khí lúc chạy cầm chừng. Khi động cơ hoạt động ở tốc độ cầm chừng, người điều khiển trả hết tay ga. Vị trí trụ ga lúc này tuỳ thuộc vít chỏi trụ ga thường gắn bên hông xylanh ga ( vít xăng).
-   Tốc độ động cơ chậm nhất, trụ ga mở nhỏ nhất, do đó xăng không đủ sức hút ra lỗ tia chính.
          Vì trụ ga mở nhỏ nên sức hút phía sau trụ ga lớn ( độ chân không lớn) nên hút xăng từ bình giữ mực ngang qua zichlơ cầm chừng phun ra phòng chế khí, cũng trong lúc này không khí được hút vào lỗ gió mạch cầm chừng, trộn lẫn với xăng trở thành hoà khí. Tỉ lệ hoà khí ở tốc độ này tuỳ thuộc vào vị trí ốc chỏi trụ ga ( ốc xăng ) và ốc gió.
3/ Mạch khởi động :
 Lúc khởi động động cơ sức hút piston rất yếu, nên cần phải có một hỗn hợp giàu xăng để động cơ khởi động dễ dàng. Trên BCHK thường áp dụng các phương pháp sau:
a.     Khởi động bằng cánh bướm gió :
-      Phía trước ống khuyếch tán người ta gắn cánh bướm gió được điều khiển bởi một cần gắn phía ngoài. Trên cánh bướm gió thường có gắn một van tự động, van nầy đóng lại nhờ một lò xo.
-      Khi muốn khởi động động cơ, ta kéo cánh bướm gió đóng lại ( kéo air), sức hút phía sau bướm gió sẽ tăng lên rất lớn nên xăng dễ dàng bị hút từ bình giữ mực theo mạch xăng chính nếu ta lên ga, hay mạch cầm chừng để cung cấp một hỗn hợp giàu xăng làm động cơ khởi động dễ dàng. Khi động cơ đã nổ rồi, ta phải mở cánh bướm ra nếu để lâu sẽ bị ngộp xăng có thể bị chết máy.
b.  Khởi động bằng mạch khởi động riêng:
-   Cơ cấu này gồm zichlơ khởi động khá lớn lấy xăng từ bình giữ mực ngang qua một giếng chứa xăng, khởi động nằm trong giữ mực. Một mạch xăng khởi động khá lớn thông với giếng khởi động là lỗ gió khởi động và lỗ gió khởi động ở phía trước họng khuyếch tán. Mạch xăng khởi động sẽ phun ra phòng chế khí sau ống khuyếch tán. Một cục khởi động ( cục starter) luôn đóng mạch khởi động nhờ một lò xo.
-   Khi muốn khởi động động cơ ta kéo cần điều khiển về vị trí cũ ( Run ). Mạch khởi động không hiệu lực vì cục starter đậy kín lỗ khởi động qya trung gian dây khởi động cục starter ép lò xo kéo lên trên, lỗ khởi động thông với giếng khởi động và lỗ gió khởi động. Mặc dầu sức hút động cơ yếu nhưng nhờ lỗ tia khởi động khá lớn nên xăng vọt ra dễ dàng cung cấp tỉ lệ hoà khí giàu xăng động cơ khởi động dễ dàng.
-   Khi động cơ đã hoạt động bình thường ta kéo cần điều khiển về vị trí cũ ( Run ). Mạch khởi động không hiệu lực vì cục starter đậy kín lỗ khởi động.
-   Khi ta lên ga chạy với tốc độ cao và dùng công suất lớn. Lúc này trụ ga mở hoàn toàn họng khuyếch tán, đồng thời kim ga cũng lên theo làm tăng tiết diện lỗ phun, vì vậy xăng ra nhiều cung cấp.  
IV. Điều Chỉnh Bộ Chế Hoà Khí:
1.     Điều chỉnh mực xăng trong bình giữ mực ( cân phao):
 Nếu mực xăng trong bình giữ mực thấp hơn mức ấn định thì động cơ thiếu xăng. Nhưng nếu cao hơn động cơ sẽ dư xăng đến ngộp xăng. Khi xe có hiện tượng dư hay thiếu xăng thì ta phải điều chỉnh mực xăng trong bình cho đúng mức ấn định bằng cách :
-   Tháo bộ chế hoà khí ra khỏi lỗ hút động cơ.
-   Tháo nắp bộ chế hoà khí ra khỏi bình giữ mực.
-   Lật ngữa nắp đậy bình giữ mực ( loại BCHK có phao nổi gắn ở nắp đậy).
-   Dùng thước hay cỡ đặc biệt đo khoản cách từ nắp đậy đến phần cuối phao rồi so sánh với kích thước ấn định của nhà chế tạo.
-   Các kích thước tiêu chuẩn là:
+ Xe Suzuki từ 22- 22,5 mm.
+ Xe Yamaha, Kawasaki, Bs từ 19- 19,5 mm
+ Honda S50 từ 19- 19,5 mm
+ Honda SS50 từ 21- 21,5 mm
-      Xe honda đàn ông loại có phao nằm ở bình giữ mực thì xăng trong bình phải thấp hơn nắp đậy từ 5- 6 mm.
-      Nếu kích thước sai biệt quá nhiều thì ta phải chỉnh lại bằng cách: Những BCHK dùng phao có "lưỡi gà" nếu khoảng cách ít hơn thì ta nâng lưỡi gà lên. Nếu khoảng cách nhiều ta đẩy lưỡi gà xuống. Các BCHK treo sau này không chỉnh vì lưỡi gà bằng nhựa.
-      Bộ chế hoà khí C50 mực xăng đã hiệu chỉnh cố định tuy nhiên muốn thay đổi mực xăng ta thực hiện một trong các cách: Thay đổi chiều dày đệm lót, thay kim phao khác, vòng đệm ốc làm bệ cây chận xăng, chêm lông đền trên hay dưới phao.
2.     Điều chỉnh các mạch xăng ở BCHK:
         Bất cứ ở tốc độ nào của động cơ, nếu BCHK cung cấp hoà khí có tỉ lệ thích hợp thì động cơ hoạt động tốt, công suất, số vòng quay đạt yêu cầu.
 Trước khi điều chỉnh các mạch xăng phải chắc chắn là xăng còn ở thùng chứa và mực xăng trong bình giữ mực đúng mức ấn định.
a.     Điều chỉnh mạch khởi động:
-         Kiểm tra đóng mở cánh bướm gió xem thử có đóng họng khuyết tán và mở hoàn toàn không.
-         Kiểm tra cần và dây điều khiển cục starter xem có kéo lên và thả xuống hết hay không. Nếu dây starter đứt thì vẫn phải để cục starter, nếu không sẽ rất hao xăng ( giống như cánh bướm gió quên mở hay mở không hết).
-         Chận thả nút bơm xăng xem có kẹt vướng gì không.
b.     Điều chỉnh hoà khí ở tốc độ cầm chừng ( không tải):
 Tuần tự thực hiện như sau:
-         Vặn ốc điều chỉnh vỏ dây ga trên nắp đậy trụ ga cho có độ lỏng từ o,5-1mm.
-      Vặn vít gió vào cho đến khi nào nặng tay rồi vặn trở ra cở 1 vòng rưỡi.
-      Cho động cơ vận chuyển ở tốc độ trung bình cở vài phút cho động cơ nóng ở nhiệt độ bình thường.
-      Vặn vít chõi trụ ga ( vít xăng) vào cho máy nổ tương đối lớn, buông ga ra máy vẫn nổ.
-      Vặn cho vít chõi trụ ga ra cho tốc độ quay của máy giảm xuống đến tốc độ thấp nhất( khoảng 1000- 1200 vòng/ phút) bằng cách nghe tiếng máy.
-      Xong lại vặn vít gió ra vào thế nào để tiếng nổ êm và nhìn volant ảnh đứng thấy rõ chi tiết bên trong vôlant.
-      Có thể hành động cả ốc xăng lẫn ốc gió mỗi lần chỉ vặn cở 1/4 vòng rồi lắng nghe tiếng nổ ổn định mới vặn tiếp thường phải điều chỉnh vài lần mới đạt được tốc độ ổn định.
-      Hiệu chỉnh xong thử lại bằng cách lên ga lớn, máy bốc không khựng rồi buông tay ga xe vẫn nổ tốc độ êm và tốt.
c.   Điều chỉnh tỉ lệ hoà khí ở tốc độ trung bình đến nhanh :
 Tỉ lệ hoà khí này sử dụng hầu hết cho mọi chế độ hoạt động khi xe di chuyển, đây là một trong các chỉ tiêu đánh giá xe tốn ít xăng hay hao xăng.
-   Nếu xe chạy ra khói đen, mở Bugi ra thấy nồi bugi có đóng muội than đen, tiếng nổ bất thường ở ống thoát, xe chạy nhanh thì tốt nhưng chậm thì ì ạch không bốc, đó là hoà khí dư xăng. Điều chỉnh bằng cách tháo trụ ga ra, tháo kim ga ra khỏi trụ ga thay vị trí vòng chận ở đuôi kim ga. Ví dụ vòng chận đang ở vị trí 2 ta thay lên 3 hoặc 1.
-   Nếu động cơ lên ga lớn bị sượng máy nóng đôi lúc nổ dội lại bộ chế hoà khí. Lên ga xe cà giựt nhưng nếu kéo đóng cách bướm gió hay kéo cục starter lên xe chạy bình thường. Tháo bugi ra thấy nồi có màu xám trắng chứng tỏ hoà khí thiếu xăng. Điều chỉnh bằng cách thay vị trí vòng chận ở đuôi kim ga xuống vị trí 4 hoặc 5.
-   Nếu nồi Bugi có màu nâu gạch chứng tỏ hoà khí đúng, cân lửa đúng. Không phải điều chỉnh BCHK hay tâm đánh lửa.
d.     Điều chỉnh mạch xăng ở tốc độ nhanh ( Tối đa):
         Ở tốc độ này lưu lượng xăng phun ra tuỳ thuộc vào tiết diện ở lỗ tia chính.
-      Nếu xe đang chạy tốc độ trung bình thì tốt mà lên thêm ga thì xe giựt nhè nhẹ tốc độ giảm nhưng bớt ga thì lại chạy bình thường. Hoặc kéo đóng cánh bướm gió xe lại tăng lên, điều này chứng tỏ thiếu xăng ở tốc độ nhanh. Điều chỉnh bằng cách thay zichlơ chính có tiết diện lớn hơn( hoặc dùng cây nhọn xoi cho lỗ lớn hơn môtr5 tí ).
-      Nếu chạy tốc độ nhanh có phóng nhiều khói đen hoặc bugi đóng nhiều muội than. Chứng tỏ hoà khí dư xăng. Điều chỉnh bằng cách thay zichlơ chính có tiết diện nhỏ hơn ( hoặc dùng dây đồng nhỏ chêm cho tiết diện nhỏ lại).
3. Phương pháp tìm PAN xăng:
         Nếu đã thử có tia lửa điện cao thế ở Bugi, tình trạng động cơ sức nén tốt mà động cơ vẫn không nổ thì 90% do Pan xăng. Vậy để tìm pan xăng nhanh chóng và có phương pháp ta thực hiện như sau:
-      Phải chắc chắn xăng còn trong thùng chứa và nắp đậy có lỗ thông hơi.
-      Đóng khoá xăng lại, mở ống dẫn xăng từ thùng chứa đến BCHK.
-      Mở khoá xăng, nếu xăng có chảy ra chứng tỏ pan tại BCHK.
-      Nếu xăng có chảy ra hoặc chảy nhỏ giọt chứng tỏ pan ở thùng chứa, khoá xăng, lọc xăng, ống dẫn xăng có thể là:
·  Nghẹt ở thùng chứa, ống dẫn.
·  Lọc xăng quá dơ nghẹt, chén lóng cặn dơ.
·  Khoá xăng mở không đúng vị trí.
-         Nếu xăng có chảy xuống BCHK thì pan ở BCHK có thể là:
( hoặc thiếu xăng: mở bugi thấy khô, nguyên nhân do:)
·  Cây chận xăng kẹt đóng, xăng không xuống được BCHK.
·  Mực xăng trong bình giữ mực quá thấp.
·  Zichlơ bị nghẹt hay quá nhỏ.
·  BCHK bắt vào không chắc hay mặt vít bị vênh.
 Hoặc dư xăng: ( ngộp xăng) Mở Bugi thấy ướt ( nguyên nhân do:)
·  Cây chận xăng kẹt ở vị trí mở nên xăng vào BCHK liên tục.
·  Phao chìm do bị thủng hay kẹt.
·  Mực xăng điều chỉnh quá cao.
·  Zichlơ vặn không chặt hay sút ra.
·  Bầu lọc gió bị nghẹt.
·  Kéo đóng cánh bướm gió quá lâu, hay bị kẹt đóng.
         Muốn biết phao có thủng hay không ta lấy phao dìm trong một lon nước hơi nóng, nếu phao thủng sẽ thấy sủi bọt ngay lỗ thủng. Nếu phao thủng ta soi hay ngâm nước nóng cho hơi xăng trong đó bay hết ra xong hàn chì hay hàn nhựa lại tuỳ loại phao.

Bình Luận

Back To Top