Giáo trình phần 8: Hộp số xe gắn máy - Kỹ thuật Xe Cộ
  1. »
  2. »
  3. »
  4. Giáo trình phần 8: Hộp số xe gắn máy

Giáo trình phần 8: Hộp số xe gắn máy

Bài viết liên quan

I.  Công Dụng :
Trong quá trình vận chuyển xe máy thường xuyên thay đổi tốc độ và sức kéo để phù hợp với tình trạng trên mặt đường. Khi xe chạy trên đường xấu, lên dốc hay chở nặng yêu cầu lực kéo bánh sau ( Môment) phải lớn hơn khi xe chạy trên đường phẳng . Đễ thoả mãn yêu cầu đó đa số xe gắn máy đều dùng hộp số.
 Do đó hộp số có xông dụng là để thay đổi lực kéo (Môment ) dẫn động ở bánh sau trong khi động cơ phát ra một công suất không đổi.
II.  Nguyên Lý Hộp Số :
 Hộp số áp dụng các nguyên lý sau:
-         Hai bánh xe răng ăn khớp với nhau thì chúng quay ngược chiều nhau.
-         Nếu hai bánh xe răng có đường kính hoặc số răng bằng nhau thì tốc độ và Môment đều bằng nhau.
-         Nếu một bánh lớn, một bánh nhỏ thì tốc độ bánh lớn nhỏ hơn bánh nhỏ, nhưng môment lại lớn hơn bánh nhỏ.
-         Hai bánh xe truyền động nhau qua trung gian sợi sên thì chúng quay cùng chiều nhau.
-         Nhiều bánh xe ăn khớp nối tiếp nhau thì những bánh xe số lẽ quay cùng chiều nhau, những bánh xe răng số chẵn quay cùng chiều nhau.
III.  Cấu Tạo Của Hộp Số :
  Hộp số của xe gắn máy có hai cơ cấu chính : cơ cấu hộp số nằm bên trong cạcte, cơ cấu điều khiển nằm bên ngoài.
1.     Cơ cấu hộp số :
 Nằm giữa hai cạcte gồm có :
a.      Một trục sơ cấp nằm phía sau cốt máy, đầu trục bên phải xuyên qua bạc đạn, ló ra ngoài cạcte để gắn nhông lớn điều khiển sơ cấp hay bộ ly hợp. Đầu trục trái nằm trong bạc thau hoặc ghế đạn đũa. Trục này luôn chuyển động theo lõi của ly hợp.
b.     Một trục thứ cấp nằm phía sau trục sơ cấp, đầu trục bên phải nằm trong bạc thau không ló ra ngoài, Đầu trục bên trái xuyên qua bạc đạn, ló ra ngoài cạcte để gắn nhông kéo sên. Trục này luôn luôn chuyển động theo bánh xe hay ngược lại.
c.      Trên mỗi trục có gắn các bánh xe răng ăn khớp với các bánh xe răng của trục kia. Có bao nhiêu cặp bánh răng thì có bấy nhiêu số. Hệ bánh xe răng nhỏ nằm trên trục sơ cấp, hệ bánh xe răng lớn nằm trên trục thứ . Như vậy bánh xe răng nhỏ nhất trên trục sơ cấp ăn khớp với bánh xe răng lớn nhất trên trục thứ cấp, đó là cặp bánh răng số 1.
-         Bánh xe răng quay trơn trên trục này ăn khớp với bánh xe răng quay theo trục của trục kia hay ngược lại. Bánh xe răng quay theo trục thì đúc liền với trục hoặc trượt trên rãnh then hoa trên trục. Bánh xe răng quay trơn luôn luôn ở một vị tí trên trục nhờ bạc chận hay vòng phe ( cirlip )gắn trên rãnh khoét trên trục, sát bánh răng quay trơn là lông đền 3 khía.
d.     Tuỳ theo xe có bao nhiêu số mà trên mỗi trục có 1 hay 2 bộ di động. Bộ di động thường đúc liền với bánh xe răng quay theo trục trượt trên rãnh then hoa hoặc đúc rời. Nhiệm vụ của bộ di động là làm cho bánh xe răng quay trơn hai bên quay theo trục khi sang số. Do đó trên bộ di động hai bên có lỗ hoặc có mấu để ăn khớp với mấu hoặc lỗ của hai bánh xe răng quay trơn hai bên khi sang số. Bộ di động được điều khiển qua lại nhờ gắp sang số ( càng cua ) gắn trên heo số. Nếu hộp số có hai số thì chỉ có một bộ di động ở trên trục thứ cấp. Nếu có 3 hoặc 4 số thì trên mỗi trục có bộ di động.
e.      Đùm số ( Heo số ) đặt khoảng giữa 2 trục sơ cấp và thứ cấp về phía trên hoặc phía dưới. Đùm là một khối thép hình trụ rỗng ruột, một đầu đùm ló ra phía bên phải, có khoan các lỗ để gắn các viên bi trụ ( chốt số ), đầu còn lại được tiện nhỏ tựa trên lỗ khoan ở cạcte số bên trái, ở đầu này có dự trù chỗ để gắn một công tắc dây mát cho đèn số 0. Trên thân đùm xung quanh có khoét rãnh, số rãnh và độ nghiêng tuỳ theo loại hộp số. Mục đích của các rãnh này là biến chuyển động quay tròn của đùm số thành chuyển động tịnh tiến qua lại của gắp sang số.
Trên thân đùm có gắn 2 hay 3 gắp số ( càng cua ) tuỳ theo hộp số có 2 hay 3 bộ di động, gắp sang số được giữ trên thân nhờ một chốt tựa di chuyển trong rãnh đùm, đầu còn lại của gắp sang số kẹp vào giữa bộ di động. Nhờ đùm và gắp sang số mà chuyển động tới lui của cơ cấu điều khiển số biến thành chuyển động qua lại của bộ di động khi vào số.
2.     Cơ cấu điều khiển :
 Cơ cấu điều khiển có nhiệm vụ điều khiển bộ di động qua lại để vào số khi tác động lên cần sang số. Đa số các xe máy hiện nay được điều khiển số bằng chân. Cơ cấu gồm có : Chân đổi số, cốt đổi số, lò xo hoàn lực, cần móc số, chốt số, nắp đậy chốt số.
-         Chân đổi số được bắt cứng vào đầu tay trái của cốt đổi số, đầu còn lại của cốt đổi số hàn dính liền với cần móc số, tại đầu này có gắn một lò xo hoàn lực để trả móc số về khi ta không còn tác dụng lên chân đổi số. Cần móc số gồm hai phần, một phần hàn dính vào cốt đổi số, phần còn lại di chuyển xung quanh, một chốt tán chết vào đầu còn lại của phần kia. Đầu còn lại của phần di chuyển có dạng cái móc luôn luôn tựa vào chốt số gắn ở đầu thân heo số nhờ một lò xo nối liền hai phần móc số.
-         Các chốt số có dạng bi trụ gắn xung quanh ở đầu thân heo số, tuỳ theo hộp số mà chốt số nhiều hay ít. Một đầu chốt số nằm chìm trong lỗ khoan ở đầu thân heo số, đầu còn lại tựa lên mặt trong nắp đậy chốt số. Nắp đậy chốt số được bắt cứng vào đầu thân heo số nhờ một vít.
-         Ngoài ra còn có một cần chận chốt số được gắn ở cạcte số, một đầu cần này luôn luôn tựa vào chốt số hay nắp đậy chốt số nhờ một lò xo. Công dụng của cần chận chốt số và nắp đậy là dùng để định vị trí số không cho số tự trả khi dao động hay buông chân số. Lúc đã sang số xong đầu cần chận chốt số nằm giữa hai chốt số hoặc phần lõm ở nắp đậy chốt số.
IV. Vận Chuyển Của Hộp Số:
  Lấy hộp số xe HONDA C50 làm ví dụ:
 Hộp số được cấu tạo gồm 3 số. Hệ thống nhông số trên trục sơ cấp từ trái sang phải là 1-2-3.
-         Trên trục sơ cấp gồm: bánh xe răng số 1 đúc liền trục số 2 quay trơn, số 3 gắn liền với bộ di động quay theo trục.
-         Trên trục thứ cấp gồm : bánh xe răng 1’ quay trơn, số 2’ gắn liền với bộ di động quay theo trục, số 3’ quay trơn.
·     Vận chuyển:
-         Khi ở số 0: Lúc này hai bộ di động đều ở vị trí giữa. Động cơ hoạt động, cốt máy quay qua trung gian bộ ly hợp cốt sơ cấp quay theo. Hai bánh xe răng 1 và 3 quay theo trục sơ cấp , hai bánh xe răng này ăn khớp với hai bánh xe răng 1’ và 3’ nên kéo chúng quay theo. Hai bánh xe răng 1’ và 3’ đều quay trơn trên trục thứ cấp nên trục này vẫn đứng yên xe không di chuyển.
-         Khi sang số 1: Ta đạp cần sang số 1 về phía sau, qua trung gian cốt đổi số, cần móc số móc chốt số làm xoay thân heo số nhờ rãnh khoét trên thân heo số, chốt tựa di chuyển đưa gắp sang số điều khiển bộ di động ở bánh xe răng 2’ ăn khớp với lỗ ở bánh xe răng 1’ cũng trong lúc đạp cần sang số ly hợp ở vị trí ly. Khi ta buông chân đạp số lò xo hoàn lực trả cốt đổi về vị trí cũ đồng thời ly hợp về vị trí hợp ( nếu nó đang hợp).
Lúc này cốt máy quay qua trung gian ly hợp cốt sơ cấp quay theo bánh xe răng 1, 3 quay theo kéo theo bánh xe răng 1’ 3’ quay theo.Bánh xe răng 1’ quay kéo theo bánh xe răng 2’(Bộ di động) quay theo, bánh 2’ quay theo trục do đó kéo trục thứ cấp quay theo qua trung gian nhông kéo sên làm bánh xe sau di chuyển. Tốc độ của xe được giảm từ bánh xe số 1 ( nhỏ nhất ) sang 1’ ( lớn nhất ) nên tốc độ xe chậm nhất ( cũng trong lúc này bánh 2’ kéo bánh 2 quay theo nhưng bánh này quay trơn cũng như bánh 3’ quay trơn ).
-         Khi sang số 2 : Lúc đạp cần số về vị trí số 2, bộ di động ở bánh xe răng số 3 ăn khớp với mấu ở bánh xe số 2, đồng thời bộ di động bánh 2 trở về vị trí cũ. Cốt máy quay cốt sơ cấp quay ba bánh răng 1, 2, 3 đều quay điều khiển ba bánh răng 1’, 2’, 3’ ở trục thứ cấp quay theo, nhưng bánh xe 1’, 3’ đều quay trơn. Chỉ có bánh 2’ quay theo trục nên kéo cốt thứ cấp quay theo. Tốc độ của xe được giảm từ bánh xe số 2 sang số 2’ hai bánh xe này có số răng trung bình nên tốc độ xe ở mức trung bình.
-         Khi sang số 3 : Lúc đạp cần số về vị trí số 3 , lúc này bộ di động số 3 trở về vị trí cũ, đồng thời bộ di động ở bánh xe răng số 2’ tiến qua ăn khớp với lỗ bánh xe 3’. Cốt máy quay, cốt sơ cấp quay, bánh xe răng 1, 3 quay kéo theo 1’, 3’ ở cốt thứ cấp quay theo. Vì bộ di động ăn khớp với bánh 3’ nên kéo cốt thứ cấp quay theo làm bánh xe di chuyển. Tốc độ xe được giảm từ bánh số 3 ( lớn nhất ) sang bánh số 3’ ( nhỏ nhất ) nên tốc độ xe nhanh nhất ( Cũng trong lúc này bánh 2’ kéo bánh 2 quay theo nhưng bánh này quay trơn cũng như  bánh 1’ quay trơn)
 V.  Cấu Tạo Hộp Số Xe Yamaha:
    1. Hộp Số Xe Yamaha có 2loại:
        Loại có heo số và loại không có heo số.
     Loại có heo số được cấu tạo giống như hầu hết các loại xe vừa trình bày ở trên.
      Riêng loại không có heo số như kiểu xe M F3D (xe pụ nữ có 3 số)và kiểu MF2, YGI (xe đàn ông có 4 số)đều cùng nguyên tắc cấu tạo vận chuyển như sau:
     Lấy hộp số xe M F3D làm điển hình.
-         Trên trục sơ cấp có 3 bánh xe răng số 1,2,3 đúc liên tục, đầu tay trái nằm trong bạc thau, đầu tay phải xuyên qua bạc ló ra ngoài để gắn bộ ly hợp.
-         Trục thứ cấp rỗng ruột, đầu tay trái xuyên qua bạc đạn, đầu này gắn nhông kéo sên, đầu tay phải xuyên qua bạc thau, đầu này trơn quay trơn bánh xe răng trung gian để khởi động.Trên trục thứ cấp quay trơn 3 bánh xe răng 1,,2,, 3, luôn luôn ăn khớp với 3 bánh xe răng 1,2,3 trên trục sơ cấp. Trên trục thứ cấp tại mỗi nơi bánh xe răng quay trơn có khoan 4 lỗ để gắn 4 viên bi, 4 viên bi này luôn luôn sụt vào trong. Trên mỗi bánh xe răng quay trơn phía trong có khoét 4 rãnh hình bán nguyệt để ăn khớp 4 viên bi trên trục thứ cấp nếu 4 viên bi dội ra.
-         Phía trong trục thứ cấp có một cây cốt 1 đầu ở phía trong cây cốt có dạng cam để đẩy 4 viên bi ra nếu ta vào số, đầu còn lại nối với cơ cấu sang số.
·     Vận chuyển :
-         Khi xe ở số 0 : Cam ở đầu cốt sang số vào sát tay phải, các viên bi đều ôm sát vào trục thứ cấp. Động cơ vận chuyển, cốt máy quay, cốt sơ cấp quay 3 bánh xe răng 1, 2, 3 quay theo kéo theo 3 bánh răng 1’, 2’, 3’ quay theo, nhưng 3 bánh răng này đều quay trơn trên trục thứ cấp nên xe không di chuyển.
-         Khi xe vào số : Qua cơ cấu điều khiển cốt sang số di chuyển, đưa cam đội 4 viên bi đi ra lọt vào 4 rãnh của bánh xe răng kéo trục thứ cấp quay theo. Trục này quay làm nhông kéo sên quay theo, Kéo theo bánh sau làm xe di chuyển. Như vậy khi muốn sử dụng số nào ta điều khiển cam sang số đội 4 viên bi tại xe răng số ấy.
VI.  Hư Hỏng Của Hộp Số :
1.     Khó Đổi Số:
·     Nguyên nhân:
-         Điều chỉnh ly hợp không đúng ( ly hợp không cắt trước khi sang số ).
-         Vít giữ bông số và đuôi heo số bị lỏng.
-         Cần móc chốt số hoặc chốt số bị mòn ta phải thay cần móc số hoặc chốt số mới.
-         Càng số bị mòn hoặc rãnh phay của heo số bị mòn. Có thể đấp bằng bạc ( bạc xecmăng ) sau đó mài lại trên đá mài chuyên dùng hoặc trên máy tiện. Yêu cầu 2 mặt phẳng của càng số phải thẳng góc với đường tâm heo số.
  Trường hợp rãnh heo số bị mòn có thể khắc phục tạm thời là hàn đấp bằng thao sau đó rà nguội lại.
2.     Đổi số không được:
·     Nguyên nhân:
-         Chốt số gãy hoặc cần móc số bị mòn khớp ta phải thay mới ( có thể đầu cốt số bị tuôn răng, phải siết cứng hoặc thay cốt đổi số mới).
-         Mối hàn ở cốt đổi số và mốc số bị hở.
-         Gấp lừa số bị quá mòn hoặc khi hàng đấp mài không thẳng góc hoặc bị vặn càng số làm cho bộ di động bị lệch một bên nên không vào khớp được.
-         Rãnh heo số bị quá mòn có khớp hoặc bulông bắt với càng số bị mòn khớp, ta phải thay heo số và ốc giữ càng mới.
-         Lò xo hoàn lực bị yếu hoặc bị rạng nức, hoặc bị sút không trả.
3.     Tự trả số:
·     Nguyên nhân:
-         Vít giữ đuôi heo số và bông số bị lỏng ( Khi đóng siết vào phải lắc heo số vào số nguội theo chiều kim đồng hồ cho hết số mới dùng vít tự động đóng. Ngược lại khi tháo phải trả heo số theo ngược chiều kim đồng hồ cho hết số mới được tháo).
-         Gắp lừa số lấp với heo số bị mòn phải thay càng hoặc heo số mới.
-         Các chấu hoặc lỗ bi của bộ di động bị mòn hoặc bị gãy ta có thể khắc phục tạm thời bằng cách hàn đấp bằng bạc xecmăng sau đó đưa cho máy chuyên dùng để mài hoặc phay rãnh lại.
-         Bông số bị mòn.
-         Lò xo cần chận định vị bị yếu hoặc bị rạng nứt.
4.     Hộp số có tiếng kêu:
·     Nguyên nhân:
-         Bộ ly hợp không ngắt được trước khi sang số.
-         Gắp số bị cong, lỗ đuôi heo số lấp với bông số bị mòn.
-         Lỗ của bánh răng lắp với trục số bị mòn hoặc bạc thao của bánh răng bị mòn.
-         Một số răng của bánh răng bị rỗ, mẻ ta phải hàn đấp phay lại hoặc thay bánh răng mới.
-         Thiếu nhớt hộp số.
5.     Khi đạp giò đạp khởi động cốt máy không quay:
·     Nguyên nhân:
-         Ly hợp điều chỉnh quá sát ( bị tuột ).
-         Vòng kẹp bánh xe răng khởi động bị giản hoặc bị rạng nứt.
-         Bánh xe răng khởi động hoặc vòng răng cưa của cốt giò đạp quá mòn.
-         Rãnh cốt giò đạp mòn hư răng.
6.     Chân giò đạp máy không trả:
·     Nguyên nhân :
-         Do lò xo hoàn lực bị giản hoặc bị gãy hoặc cần đạp bị cong.
-         Trường hợp nếu bị giật trả lại quá mạnh là do cân lửa quá sớm máy có hiện tượng nổ ngược ( volant manhêtic vít lửa ).
7.     Bể hộp số:
·     Nguyên nhân:
-         Khi ráp số lắp lông đền không đúng vị trí.
-         Khi ráp phe gày bị giản không ôm sát vào rãnh cốt số tuyệt đối không được dùng phe lô.
-         Bánh xe răng quay trơn bị quá rơ so với trục.
-         Có vật lạ ( kim khí ) rơi vào hộp số.
-         Do người sử dụng không đúng, chạy ga lớn buông ly hợp đột ngột quá nhiều lần hoặc để ga lớn sang số mà không bóp ly hợp.
·     Chú ý:
-         Khi tháo ráp hộp số phải lấy nguyên cụm, nghĩa là cốt số, heo số, và các cập bánh răng đều lấy ra cùng một lúc. Chú ý lông đền ở hai đầu trục được chế tạo bằng hợp kim không được thay thế bằng loại lông đền khác.
-         Khi số đã sử dụng lâu có thể từng cặp bánh răng bị mòn , khi muốn thay phải thay từng cặp, nếu thay một cái các răng bị chèo rất dễ bể.
-         Phải bảo đảmnhớt có đầy đủ trong hộp số và phải thay nhớt đúng định kỳ.
VII.        Cơ Cấu Khởi Động
1. Công dụng:
-         Cơ cấu khởi động có nhiệm vụ truyền lực khởi động từ bàn đạp khởi động đến ly hợp rồi qua ly hợp đến cốt máy làm quay cốt máy ít nhất là một chu kỳ làm cho động cơ vận chuyển. Sau khi làm quay cốt máy của động cơ, cơ cấu này tự động tắt khỏi hệ thống truyền lực.
2. Nguyên tắc truyền lực cơ cấu khởi động:
a/ Dùng cặp bánh răng 1’ 1 của hộp số truyền lực cho cốt máy:
-         Nguyên tắc này áp dụng cho các xe như C50, SS50, Suzuki.
 Khi khởi động để ở số 0. Ta đạp giò đạp cốt để khởi động quay, kéo theo bánh xe răng khởi động quay, làm bánh xe răng 1’ quay theo. Bánh xe răng 1’ quay trơn trên cốt thứ cấp kéo theo bánh xe răng số 1 đúc liền cốt sơ cấp quay, truyền lực đến ly hợp qua ly hợp đến cốt máy làm piston di chuyển lên xuống làm cho động cơ vận chuyển. Khi đã truyền lực đến cốt máy, do cấu tạo của bánh xe răng khởi động và cốt khởi động, cơ cấu này tách khỏi hệ thống truyền lực.
a.     Dùng cặp bánh răng khởi động riêng quay trơn trên hai cốt sơ cấp và thứ cấp:
-         Nguyên tắc này áp dụng cho các xe như Yamaha, Kawasaki.

  Khi khởi động để số 0. Đạp giò đạp cốt khởi động quay, kéo theo bánh xe răng khởi động quay, làm cặp bánh răng khởi động quay trơn trên hai trục quay theo, bánh xe răng quay trơn trên trục sơ cấp kéo đùm ly hợp quay truyền đến cốt máy làm piston di chuyển làm động cơ vận chuyển ( Riêng xe Kawasaki vì bộ ly hợp gắn ở cốt máy nên chuyển động truyền từ lõi sang đùm mới đến cốt máy). Như vậy với loại xe này ( Yamaha ) khi khởi động nếu có số ta bóp ly hợp vẫn khởi động được. Khi đã truyền lực đến cốt máy cơ cấu khởi động tự tách khỏi hệ thống truyền lực như trường hợp trên.

Bình Luận

Back To Top