Giáo trình phần 2: Các chi tiết của động cơ xe máy - Kỹ thuật Xe Cộ
  1. »
  2. »
  3. »
  4. Giáo trình phần 2: Các chi tiết của động cơ xe máy

Giáo trình phần 2: Các chi tiết của động cơ xe máy

Bài viết liên quan


A/ CÁC CHI TIẾT CỐ ĐỊNH
I.       Nắp Quylát:
1.  Công Dụng và Cấu Tạo;
-   Nắp quylát là một chi tiết đậy kín phía trên khối xylanh nhờ một cái đệm ( Joint) bằng kim loại hoặc Amiăng bọc kim loại. Nó được siết ép cứng vào xylanh nhờ 4 con gudông lắp ở cạcte và đai ốc.
-   Mặt tiếp xúc với xylanh được bào rất phẳng, phía trong trũng xuống đầu piston xylanh tạo thành buồng đốt ; Nơi đây có khoan lỗ ven răng để lắp Bugi. Phía ngoài quylát có đúc những cánh toả nhiệt để gia tăng diện tích làm mát.
-   Quylát của động cơ 2 thì chỉ có một lỗ đễ vặn bugi, đôi lúc có gắn thêm xupáp để xả hơi nén cho nhẹ khi phát hành hay tắt máy như xe Mobylette, Sachs, Quylát của động cơ 4 thì ngoài lỗ vặn bugi còn dự trù để gắn xupáp hút, xupáp thoát và các cơ cấu phân phối khí như cốt cam, cò mổ, sên cam,…. Như xe HONDA,PC.
-   Xét về phương diện cấu tạo kim loại ta chia ra làm 2 loại :
+ Quylát bằng gang: quylát này tiện lợi là ít biến dạng nhưng gang truyền nhiệt kém nên không dùng cho các động cơ có phân số nén cao.Nó chỉ dùng cho động cơ có phân số nén khoảng 6,5l. Nếu cao hơn sẽ sinh ra hiện tượng cháy tự động.
+ Quylát bằng nhôm : Quylát này truyền nhiệt nhanh, mau nguội, nên có thể áp dụng cho động cơ có phân số nén cao làm tăng hiệu suất động cơ, nhưng nhôm lại hay biến dạng dễ cong vênh.
2.  Phương Pháp Tháo- Lắp quylát:
-      Không nên tháo nắp quylát trong lúc động cơ còn nóng vì làm như thế dễ bị cong vênh.
-      Khi tháo nắp quylát đầu tiên nới lỏng 4 ốc đối xứng nhau, xong rồi mới mở hết đai ốc ra.
-      Nếu đệm quylát là loại tốt không nên bôi keo (hermatic ) lên đệm mà chỉ cần bôi lớp mở mỏng. Nếu bôi keo khi tháo ra sẽ hư xài lại không được.
-      Khi lắp nắp quylát phải siết đối xứng nhau, làm nhiều lần và đúng sức siết ấn định.
II.               Xylanh :
1.  Công Dụng, Cấu Tạo :
-   Xylanh là một chi tiết để piston di chuyển trong đó. Nó hợp với piston quylát để hút , ép hoà khí.
-   Đối với các động cơ xưa xylanh đúc liền một khối, phía ngoài có các cánh toả nhiệt để gia tăng diện tích làm mát, có khoan 4 lỗ để xỏ gudông lắp với cạcte, quylát. Phía trong được tiện tròn gọi là nòng,mài thật láng để piston di chuyển trong đó.
-   Để cho việc thay thế đỡ tốn kém khi xylanh mòn khuyết ngày nay đa số xylanh đều làm nóng rời và ép cứng vào xylanh mà ta gọi là sơmi (chemise ).
-   Xylanh của động cơ 4 thì nòng chỉ là một ống hình trụ. Với động cơ hai thì nòng xylanh có khoét lỗ thoát, lỗ nạp, lỗ hút. Riêng động cơ hai thì xe Yamaha,Bridgestone, Vespa, động cơ hai thì đời mới nòng xylanh chỉ có hai lỗ thoát và nạp còn lỗ hút bố trí ở cạcte ở giữa có miếng đệm bằng amiăng hoặc giấy bìa, gọi là Joint chân xylanh. Bên hông xylanh động cơ 4 thì có dự trù chỗ đễ chứa sên cam và bánh lòng.
2.  Sự mòn khuyết của nòng xylanh :
-   Sau một thời gian vận chuyển, do sự cọ sát của piston và xécmăng,xylanh sẽ bị mòn khuyết ở các dạng sau:
+ Sẽ bị mòn khuyết theo hình bầu dục vì đè vào lòng xylanh khi piston chạy lên và chạy xuống.
+ Sẽ bị mòn khuyết theo hình côn phía trên mòn nhiều hơn phía dưới vì chịu trực tiếp áp suất và nhiệt độ cao liên tục.
+ Phần trên cùng và dưới cùng không bị mòn vì xecmăng không di chuyển đến, nên khi xylanh sẽ tạo thành một cái trớn.
  Khi xylanh mòn piston không còn kín trong xylanh nửa nên sức nén của động cơ sẽ giảm máy lên dầu buồng nổ đóng muội than, máy tiêu thụ nhiều xăng, Công suất động cơ giảm, động cơ 4 thì sẽ thoát khói trắng.
III/ Cạcte:
-   Cạcte thường đúc thành hợp kim nhôm, gồm nhiều nửa ghép lại với nhau bằng đinh vít ở giữa hai mặt tiếp xúc có đệm amiăng hay giấy bìa. Tuỳ theo xe mà cạcte gồm hai nửa ( mobylette, cady,…), Ba nửa ( PC), Bốn nửa (HONDA, SUZUKI,..). Nửa ngoài cùng bên phải là cạcte ly hợp, ngoài cùng bên trái là cạcte đậy mâm lửa (  còn gọi là cạcte đuôi cá) . Ở giữa là hai cạcte số, giữa hai cạcte có chốt định vị.
-   Cạcte là nơi chứa cốt máy, thanh truyền, bộ ly hợp, hộp số, cơ cấu khởi động. Đối với xe hai thì cạcte chứa cốt máy thanh truyền độc lập với cạcte chứa ly hợp và hộp số vì cạcte này dùng để ép hoà khí. Đối với xe 4 thì các cạcte thông nhau để nhớt làm trơn chung động cơ, ly hợp , hộp số.
-   Phía ngoài cạcte nơi bắt xylanh được bào phẳng và có ven răng để gắn 4 gudông ráp xylanh quylát lại thành một khối. Ở xe HONDA sát lỗ tay phải phía dưới có khoan một lỗ nhỏ để dẫn nhớt làm trơn lên dàn đầu (thợ sửa chữa thường gọi là lỗ ghèn ) . Giữa hai mặt tiếp xúc có đệm băng amiăng. Ngoài ra cạcte còn phải dự trù chỗ để lắp bạc đạn, bạc thau cho các trục máy sơ cấp, thứ cấp và các trục phụ khác.

B/ CÁC CHI TIẾT DI ĐỘNG:

I.       Piston :
-      Piston là chi tiết di động trong lòng xylanh .Nó nhận năng lực của thì nổ và truyền cho cốt máy qua trung gian của thanh truyền. Nó còn dùng để hút, ép hoà khí, đẩy khí cháy và truyền nhiệt cho xylanh.
-      Piston thường đúc bằng hợp kim nhôm thành một khối hình trụ, phần trên kín, phần dưới rỗng và phía trong có gân để tăng độ bền. Một piston chia làm 3 phần:
+ Đầu piston: Thường bằng phẳng, mo lên hay có bướu, để chịu áp lực lớn tuỳ theo mỗi nhà chế tạo. Trên đầu thường có ghi cỡ (code) piston đang dùng và dấu mũi tên để định vị khi tháo ráp.
VD: Đối với xe nhật thường có 5 cỡ(code): Standard, cỡ 1, 2, 3, 4 và mỗi cỡ cách nhau 0,25 mm.
 Trên đầu piston có ghi 0.75 có nghĩa là piston cỡ 3, đường kính nó lớn hơn đường kính nguyên thuỷ (Standard) là 0m75. Dấu mũi tên thường hướng về phía trước ( hướng ống thoát).
+ Thân trên piston : Có móc rãnh xung quanh để lắp các vòng xecmăng. Số rãnh xecmăng tuỳ theo nhà chế tạo. Thường ở xe gắn máy loại 2 thì có 2 rãnh, 4 thì có 3 rãnh. Trên rãnh piston Động cơ 2 thì có gắn chốt định vị 9 ạcgô) để xecmăng không xoay tròn. Dưới các rãnh có khoan một lỗ để gắn trục (axe) piston.
+ Thân dưới piston: Dùng để kềm piston và truyền nhiệt cho xylanh, thân dưới thường có hình bầu dục. Piston động cơ hai thì thân dưới thường khoét trống 1 lỗ để hoà khí theo đó vào cạcte. Vì đầu và thân trên trực tiếp với khí ép và nhiệt độ cao nên bao giờ cũng nóng hơn thân dưới nên người ta thường tiện thân trên có đường kính nhỏ hơn thân dưới từ 0,03-0,05 % đường kính.
-      Trục piston ( axe ): Dùng để nối piston và chân thanh truyền. Có nhiệm vụ nhận và truyền lực từ piston qua thanh truyền làm quay cốt máy. Trục piston thường làm bằng thép trui cứng gắn vừa vặn qua khâu thau ở chân thanh truyền và hai lỗ khoan ở piston. Để giữ cho trục piston không chạy ra ngoài làm trầy lòng xylanh, người ta gắn hai vòng khoá ( cirlip) ở hai đầu trục trên lỗ piston.

KÍCH THƯỚC CỦA VÀI LOẠI PISTON THÔNG DỤNG

Hiệu xe
standard
Code 1
Code 2
Code 3
Code 4
Honda 70
Ss50,s50
Suzuki M12-15
Vespa 150
Honda C65
Honda PC
Mobylette
47 mm
39 mm
41 mm
57 mm
44 mm
42 mm
39,5 mm



47,50
39,50
41,50
58
44,50
42,50
40,50

47,75
39,75
41,75
58,50
44,75
42,75
41

47,75
39,75
41,75
58,50
44,75
42,75
41

48
40
42
59
45
43
41,50
II.   Xécmăng :
Là những vòng đàn hồi bằng gang xám hay hạt thép mịn lắp vào những rãnh ở piston có những công dụng sau :
-      Làm kín giữa piston và xylanh - Kềm piston trong xylanh.
-      Truyền nhiệt cho xylanh- gọt dầu dính vào lòng xylanh .
  Trên piston động cơ 4 thì có 3 vòng xecmăng :
-      Cái trên cùng tiếp xúc trực tiếp với khí cháy gọi là xecmăng lửa, mặt ngoài xecmăng này thường có mạ Crôm để tăng độ bền, nên có màu trắng xung quanh.
-      Cái thứ nhì gọi là xecmăng ép (xecmăng làm kín ), hình dáng giống xecmăng trên, không mạ thường có màu xám đậm.
-      Cái cuối cùng là xecmăng gạt dầu có nhiệm vụ gạt dầu trên lòng xylanh đưa về cạcte, hình dạng xecmăng này thường có lỗ xung quanh.
         Cúp 81 trở về sau xecmăng gạt dầu gồm có 3 miếng, hai vòng thép hai bên kẹp giữa một lò xo. Do đó thợ thường gọi là bộ bạc 5 lá.
 Xecmăng được chế tạo cùng cở với piston nên trên xecmăng thường có ghi cở ( code) giống như piston, lúc ráp vào nhớ để mặt có chữ hướng lên đầu piston.
 Ở động cơ 2 thì chỉ có 2 xecmăng là chận lửa và làm kín, không có xecmăng dầu vì dầu làm trơn hoà trộn với xăng cháy thảy ra ngoài cùng khí thoát.
 Do sự vận chuyển của piston nên piston và xecmăng di chuyển đối với xylanh, còn piston thì di chuyển đối với xecmăng. Vì vậy sau một thời gian vận chuyển xung quanh xecmăng, rãnh piston và cạnh xecmăng bị mòn, khí cháy, hoà khí lọt xuống cạcte sức ép yếu đi và nhớt được đưa lên buồng cháy làm chết Bugi, mau đóng chấu, buồng đốt mau đóng muội than.
III/ Thanh Truyền :
1.  Công Dụng, Cấu Tạo :
         Thanh truyền là một chi tiết nối liền giữa piston và cốt máy. Nhờ thanh truyền và tay quay mà sự chuyển động thẳng của piston được biến thành chuyển động xoay tròn của cốt máy. Khi làm việc thanh truyền nhận lực giãn nở của khí cháy và lực quán tính của cốt máy bánh đà nên thanh truyền được chế tạo bằng thép đặc biệt có pha crôm và niken hay vanadium để tăng sức chịu đựng. Thanh truyền gồm có 3 phần:
-   Chân (Đầu nhỏ thanh truyền):
 Là một ống thép tròn rèn dính vào mình, nối liền với piston nhờ trục piston. Giữa chân và trục thường có gắn một khâu thau, hoặc tráng một lớp hợp kim đở xát hoặc một vòng bi đũa kim ( Yamaha ), phía ngoài khoan lỗ để dầu chui vào làm trơn.
-   Thân thanh truyền : nối liền giữa đầu lớn và đầu nhỏ, thân thường có tiết diện tròn rỗng ruột hoặc tiết diện hình chữ I. Hiện nay đa số tiết diện hình chữ I vì nhẹ nhàng mà vẫn cứng rắn.
-   Đầu ( Đầu to thanh truyền ):
 Là một ống thép hình tròn rèn dính vào mình. Đầu to được ráp vào cốt máy nhờ trục tay quay ( ắc dên), giữa đầu to và trục tay quay là một vòng bi đũa. Ở ngoài có khoan lỗ để nhớt vào làm trơn. Đối với loại xe gắn máy 4 thì làm trơn bằng cách tát nhớt như xe PC thì ở cuối đầu lớn có đúc thêm muỗng tát nhớt.
        
Đối với một số xe mô tô lớn đầu lớn thanh truyền gồm 2 phần, một nửa dính vào thân, một nửa gọi là nón được bắt vào phần kia nhờ hai cây bù lon. Trong trường hợp này vòng bi đũa được thay thế bằng hai miếng bạc lót.
2.     Hư Hỏng Của Thanh Truyền :
         Sau một thời gian sử dụng, do sự tác dụng của nhiều lực thanh truyền thường gặp các dạng hư hỏng sau :
-      Thanh truyền đâm (dên đâm): Là tâm giữa đầu lớn và đầu nhỏ không song song nhau hoặc thân thanh truyền không phẳng. Nếu đâm ít thì động cơ nóng máy, piston xylanh bị trầy một bên, đâm nhiều thì piston bị kẹt luôn trong xylanh, không di chuyển được.
-      Thanh truyền kêu ( dên khua ): Là khe hở giữa trục tay quay và vòng bi đũa lớn hơn giới hạn cho phép.
-      Trục piston kêu ( ắc piston khua): Là khe hở giữa trục piston và đầu nhỏ thanh truyền lớn hơn giới hạn cho phép.
-      Thanh truyền lột ( lột dên ): Là dầu làm trơn không đến được vòng bi hoặc mất tính chất làm trơn , làm "cháy"vòng bi, trục hay đầu lớn.
 Các hư hỏng trên đều đem đến tiệm chuyên môn sửa chữa lại hay thay thế gọi là ép dên.
IV/ Cốt Máy ( Trục Khuỷu) Bánh Đà :
1.     Cốt Máy :
 Cốt máy là chi tiết chính của động cơ, nó nhận năng lực của thì nổ giãn từ chuyển động thẳng của piston thành chuyển động quay tròn qua trung gian của thanh truyền.
 Cốt máy của xe gắn máy thuộc cốt chấp nghĩa là gồm các thành phần của cốt máy chế tạo rời rồi sau đó ép chặt lại với nhau thành cốt máy. Các thành phần ấy gồm :
-      Một khúc tiện tròn mà nơi đó ta gắn đầu lớn thanh truyền gọi là trục tay quay ( ắc dên ).
-      Một khúc tiện tròn lắp trên hai bạc đạn ở cạcte gọi là trục cốt máy.
 Trục tay quay nối liền với cốt máy bằng hai cánh tay quay cốt máy.
         Hai đầu trục cốt máy, một đầu thường có dạng côn có móc rãnh chốt cla-vét để lắp bánh đà từ ( volant), đầu kia để ráp nhông điều khiển bộ ly hợp ( nhông hú ) hay bộ ly hợp.
         Đối với cốt máy xe 4 thì còn có bánh xe răng cốt máy ( nhông chia thì ) lắp ép cứng ở một đầu trục ( Honda 50, ss50 trục bên trái, PC trục bên phải) để điều khiển hệ thống phân phối khí. Giữa trục phía ráp ly hợp có khoan lỗ dầu để làm trơn bạc thau ly hợp và ắc dên.
2.     Bánh Đà ( volant):
         Bánh đà có công dụng tích trữ năng lượng sinh ra trong quá trình giãn nở và truyền năng lượng ấy trong quá trình tiêu hao như hút, ép, thải. Nhờ có bánh đà mà động cơ quay đều vòng hơn giúp quá trình khởi động máy dễ dàng.( Ở xe gắn máy vì cánh tay quay cốt máy có khối lượng của nó chiếm khoảng 80 % khối lượng chi tiết chuyển động của động cơ, cho nên cũng có công dụng tích trữ năng lượng như bánh đà). Tuỳ theo loại xe gắn máy bánh đà còn có công dụng khác như: Gắn các phím nam châm để gây từ tính cho hệ thống điện, gắn quạt gió để làm mát động cơ, gắn cam ngắt điện dùng cho hệ thống đánh lửa và sau cùng ghi dấu tử điểm thượng và điểm đánh lửa .


VD: Trên xe C50, SS50, PC. Lúc dấu chữ T trên bánh đà ngay dấu cạcte là lúc piston ở TĐT, lúc dấu chữ F ngay dấu cạcte là lúc piston ở điểm đánh lửa.
Kích thước bạc đạn vài cốt máy thông dụng:
 Honda C50; SS50 : 6304
 Honda PC Trái : 6202
                    Phải : 6203
 Bridrestone : 6303
 Kawasaki : 6203
 Yamaha nữ : 6204
                 Nam : 6304
 Suzuki nam :6303
            Nữ : 6003- 6203
 Honda 90 : 6305

C/ HƯ HỎNG SỬA CHỮA CÁC CHI TIẾT ĐỘNG CƠ :

1.     Kiểm tra mặt phẳng quylát, xylanh :
         Nếu mặt phẳng tiếp xúc của xylanh, quylát bị cong vênh sức nén sẽ xì, động cơ sẽ không hoạt động được hoặc được nhưng công suất kém, nóng máy, hao xăng . Ta kiểm tra bằng cách sau :
-   Dùng một thước chuẩn thật thẳng để trên mặt phẳng, di chuyển theo mọi chiều, để trước ánh sáng nếu có ánh sáng lọt qua chứng tỏ quylát bị vênh.
-   Rải bột màu đều lên mặt bàn rà hay tấm kiếng dày, úp mặt phẳng quylát xuống di chuyển theo hình số 8, xong giở lên xem bột màu có ăn đều hay không nếu không chứng tỏ bị vênh.
2.     Rà mặt phẳng xylanh, quylát, cạcte:
 Khi mặt phẳng bị vênh trong giới hạn, ta rà lại như sau :
-   Chùi thật sạch mặt phẳng.
-   Chùi thật sạch mặt bàn rà, bôi lên một lớp cát xoáy mỏng. Nếu không có bàn rà thì dùng một tờ giấy nhám nhuyễn để trên một mặt kiếng dày cở 5 ly.
-   Up mặt phẳng rà xuống mặt bàn rà hay giấy nhám di chuyển theo hình số 8 đến khi nào mặt phẳng ăn đều hết là phẳng.
         Ngoài ra sau một thời gian vận chuyển do piston, xylanh mòn, do tính chất nhiên liệu buồng đốt đóng muội than làm cho thay đổi tỉ số nén, động cơ cháy tự động vì vậy ta phải cạo muội than ở buồng đốt. Nếu rà quylát quá nhiều buồng đốt nhỏ lại cũng sinh ra hiện tượng cháy tự động như trên.
3.     Kiểm Tra Piston , Xylanh :
a.  Kiểm tra piston :
         Một piston cũ muốn dùng lại phải hội đủ các điều kiện sau đây :
-   Xung quanh thân không bị trầy sướt, không có vết rà lại bằng giấy nhám.
-   Rãnh xécmăng phải vừa vặn với xecmăng không lỏng quá hay vát. Nếu của hai thì phải có chốt định vị.

-   Lỗ ắc piston không quá lỏng.
-   Khi thử với xylanh không quá lỏng .
b.  Kiểm tra xylanh :
          Một xylanh có thể tiếp tục dùng được nếu các khe hở còn trong giới hạn và lòng không bị trầy sướt.
-   Kiểm tra sự trầy sướt có thể nhìn bằng mắt thường là do hoặc thiếu dầu làm trơn, hoặc dên đâm , hoặc khe hở xylanh piston quá ít.
-   Kiểm tra sự mòn khuyết. Lấy tay sờ vào lòng xylanh ở vùng TĐT nếu thấy có dợn sóng hay có chớn là đã quá mòn. Thường khi xylanh quá mòn đến nỗi có chớn thì ta phải xoáy nhảy code tức là code 0 lên code 2 hay code 1 lên code 3.
-   Ta cũng có thể kiểm tra sự mòn khuyết của xylanh bằng cách để xecmăng vào lòng xylanh. Dùng đầu piston đẩy xecmăng xuống vùng TĐT rồi lên sát vùng TĐT. Nếu khe hở ở hai vùng khác nhau là chứng tỏ xylanh bị côn .
c.   Kiểm tra khe hở giữa xylanh  và piston :
-   Tháo xecmăng ra khỏi piston, chùi sạch piston lòng xylanh.
-   Để piston vào lòng xylanh, đầu piston quay xuống dưới.
-   Dùng lá cở đo khe hở giữa xylanh và thân dưới khe hở này phải nằm trong tiêu chuẩn nhà chế tạo. Thường khe hở này nằm trong khoảng 0,001- 0,005" cho 1" đường kính.
  Nhưng trên thực tế ít ai đo khe hở này mà kiểm tra bằng cách :
-   Để piston vào lòng xylanh, xoay chuyển nhiều vị trí đưa ra trước ánh sáng. Nếu ánh sáng lọt vào quá nhiều là khe hở quá lớn.
-   Hoặc để piston vào lòng xylanh thả tay nhẹ nếu piston rơi từ từ là tốt, nếu rơi tự do là khe hở quá lớn, nếu đẩy mạnh mới xuống là khe hở quá ít dễ bị kẹt máy.
         Khi khe hở quá lớn nếu tình trạng xylanh còn tốt thì ta thay piston, nhưng thực tế thường thì ta thay piston mới và xoáy xylanh theo code mới của piston.
4.     Kiểm Tra Khe Hở Xecmăng :
a.     Kiểm tra khe hở miệng:
-      Tháo xecmăng ra khỏi piston, chùi sạch piston, xylanh xecmăng.
-      Đặt xecmăng vào lòng xylanh.
-      Dùng đầu piston đẩy xecmăng xuống 1/2 khoảng chạy.
-      Lấy thước đo khoảng hở để giữa hai miệng của xecmăng khe hở này vào khoảng 0,15mm (0,07"). Nếu ít hơn phải dùng giũa mịn hay giấy nhám rà lại, nếu lớn hơn 0,50 mm thì phải thay xecmăng mới.
-      Trên thực tế ít ai dùng thước đo khe hở mà đưa xylanh ra trước ánh sáng và xem khe hở cở sợi tóc là được.
b.  Kiểm tra khe hở giữa xecmăng và rãnh xecmăng:
-   Tháo xecmăng ra khỏi piston , chùi sạch sẽ.
-   Lấy xecmăng để lưng xecmăng và rãnh tương ứng.
-   Xoay xecmăng xung quanh rãnh xecmăng .
-   Vừa xoay vừa quan sát ở tất cả mọi vị trí xecmăng đều nằm lọt dưới rãnh và thấp hơn 0 mm25 .

-   Cũng ở mọi vị trí xecmăng xoay tự do vừa vặn trong rãnh. Khe hở này theo tiêu chuẩn từ 0,01 mm- 0,045 mm.
 Nếu khe hở quá ít xecmăng sẽ bị kẹt (dính ) trong rãnh, nếu quá lớn động cơ sẽ lên dầu.
-   Nếu piston cũ muốn dùng lại ta phải dùng một xecmăng gãy để nạo rãnh cho sạch muội than trước khi kiểm tra. Không nên dùng đầu vặn vít hay lưỡi cưa để nạo rãnh vì làm như thế không những không đều mà còn hư rãnh.
5. Kiểm tra thanh truyền cốt máy:
a.  Kiểm tra bạc đạn cốt máy :
-   Khi bạc đạn còn nằm trong động cơ thì ta tháo cạcte đuôi cá ra. Nắm volant lắc qua lắc lại, lắc lên xuống. Nếu lắc được có độ rơ thì bạc đạn đã mòn. Khi cốt máy đã tháo ra ngoài thì một tay giữ cốt máy, một tay nắm bên ngoài vòng bạc đạn lắc qua lại xem thử rơ nhiều hay ít. Nếu bạc đạn bị mòn động cơ chạy không đều có tiếng kêu, lửa lúc có lúc không, các chi tiết khác mau mòn.
-   Thường khi tháo cốt máy ra khỏi cạcte. Ở xe hai thì bạc đạn còn nằm lại trong cạcte, nếu ra theo là bạc đạn rơ, nồi bạc đạn quá rộng. Ở xe 4 thì bạc đạn ra theo và dính liền với cốt máy, nếu nằm lại thì bạc đạn rơ, cốt máy mòn.
b.     Kiểm tra phốt dầu :
         Trên động cơ 4 thì phốt dầu gắn nơi cốt máy phía mâm lửa có nhiệm vụ không cho dầu trong cạcte theo cốt máy ra ngoài làm ướt các chi tiết trên mâm lửa gây pan lửa. Trên động cơ hai thì hai phốt hai bên cốt máy rất quan trọng, ngoài việc không cho nhớt máy lọt cạcte ly hợp qua còn nhiêm vụ giữ cạcte thật kín để lúc piston chạy xuống thì ép hoà khí đưa lên xylanh. Nếu phốt hư động cơ chạy yếu, hao xăng đôi lúc không hoạt động được. Ta kiểm tra phốt phải ở tình trạng sau:
-         Phốt không được rạng nứt hay chay cứng, phốt ăn kín ngoài cốt máy, vòng ngoài khít với nồi bạc đạn. Nếu phốt cũ cao su còn mềm tốt, nhưng ôm không khít có thể là do lò xo phía trong bị giãn thì ta tháo ra cắt bớt lò xo nối lại. Không được dùng vật nhọn, sắt để tháo ráp phốt. Nếu động cơ đang hoạt động, tháo volant ra nếu thấy có dầu ở mâm lửa chứng tỏ phốt ở đầu cốt máy bị hư, hở
c.   Kiểm tra bạc thau, chân dên :
 Nếu trục piston (axe) với piston khe hở còn nằm trong tiêu chuẩn ( dưới 0,12 mm) thì ta mới kiểm tra tiếp khe hở giữa chân dên và trục piston.
 Đối với xe Honda phía trong chân dên có tráng lớp hợp kim đỡ xát. Xe Yamaha thì dùng bạc đạn kim. Các xe còn lại thì dùng bạc đạn thau. Thường thì độ rơ giữa chân dên và trục piston là 0,08 - 0,10 mm nếu vượt quá phải thay để khỏi có tiếng kêu trục piston. Thay thế thường có hai cách hoặc là thay trục piston mới hoặc là đóng bạc thau mới ở chân dên tuỳ theo tình trạng cụ thể.
d.  Kiểm tra khe hở giữa trục tay quay và đầu dên:
 Nếu khe hở này quá giới hạn động cơ này sẽ có tiếng khua trong lúc vận chuyển, ta gọi là dên khua. Thường khe hở này thử theo kinh nghiệm như sau :
-   Tháo rời các chi tiết còn lại dên và cốt máy.
-   Tay trái nắm thân dên giơ lên để cốt máy treo dưới đầu dên.
-    Dùng mu bàn tay phải gỏ mạnh lên đầu nhỏ dên.
 Nếu có tiếng kêu kim khí phát ra thì phải đem đi ép dên, nếu không có tiếng kêu kim khí là còn tốt. Đôi lúc gặp dẹn quá kêu ta lắc qua lại, lên xuống cũng biết được.
-   khi đem đến tiệm ép dên ta chờ xem thử ghế đựng đạn, trục tay quay còn dùng được hay phải thay luôn tuỳ tình trạng cụ thể. Vì các chi tiết này phải dùng máy ép ép rời lấy dên ra mới biết được.
          Ngoài ra ta còn phải kiểm tra lỗ gắn chốt clavét, rãnh ven răng ở đầu cốt máy, trục cốt máy nơi gắn hai bạc đạn và đề nghị sửa chữa luôn trong khi ép dên

Bình Luận

Back To Top